Không công khai thí sinh hưởng lợi từ gian lận điểm thi – nhân văn cho ai?

Vụ nâng điểm thi PTTH ở Sơn La, Hòa Bình đến bây giờ – tháng 3/2019 – mới thông báo kết quả điều tra, tức là đã qua thời hạn bổ sung trúng tuyển vào các trường đại học là tháng 12/2018.

Sắp hết một năm học, gần 70 thí sinh được nâng điểm thi rất cao, có em được nâng đến 26,5 điểm – đã yên vị trên ghế của nhiều trường đại học, và tất nhiên, gần 70 em khác đã mất chỗ hợp pháp của mình ở những trường đại học ấy.

Cuộc điều tra đã kéo dài quá lâu dù được phát hiện sớm ngay trước thời điểm xét tuyển đại học. Lẽ ra những thí sinh bị nghi ngờ cần tạm dừng xét tuyển chờ kết quả điều tra, như vậy cuộc điều tra phải khẩn trương hơn để có kết quả sớm trong thời gian có thể bổ sung danh sách trúng tuyển, tránh trường hợp trượt oan đậu gian. Nhưng vì tất cả thí sinh “chạy điểm” đã được vào đại học nên… không đi đâu mà vội, mọi việc cứ tuần tự “đúng quy trình” như không có gì xảy ra.

Nay, kết quả điều tra thừa nhận có gian lận điểm, tức là sự vi phạm là cố ý, có tổ chức, không chỉ từ những cán bộ ngành giáo dục tham gia và thực hiện việc này mà chắc chắn có sự tiếp tay, thao túng của những phụ huynh có con em đã được nâng điểm. Ai có thể “chạy điểm” cao đến mức chắc chắn đậu đại học, thậm chí ở top đầu của các trường?

Vậy mà, trước đòi hỏi của dư luận về việc cần công khai danh tính phụ huynh và cả các thi sinh gian lận điểm thi, những người có trách nhiệm lại cho rằng không công bố tên phụ huynh và nhất là tên các thí sinh – vì tính nhân văn, vì sợ ảnh hưởng tâm lý các em, thậm chí còn có ý kiến đó là do phụ huynh chứ không phải lỗi của các em.

Phụ huynh chắc chắn phải chịu trách nhiệm khi “chạy điểm” cho con dù bằng bất cứ cách nào: bằng tiền hay bằng ảnh hưởng của chức vụ, quyền hạn, thậm chí chỉ bằng “quan hệ tình cảm”. Nhưng các thí sinh được nâng điểm liệu có vô can?

Đủ tuổi vào đại học tức là các em đã trưởng thành. Sức học, kết quả bài thi của mình thế nào chắc chắn các em biết rõ hơn ai hết, gần một năm qua sự việc ở ngay địa phương, ngay hội đồng thi của mình thế nào, liên quan đến gia đình mình thế nào, không lẽ các em không biết?

Thế mà vẫn thản nhiên nhận một kết quả gian dối tức là thản nhiên hất một người bạn ra khỏi cổng trường đại học để mình bước vào đó bằng đôi chân của cha mẹ.

Đối xử “Nhân văn” với những thí sinh gian lận còn những em bị trượt đại học một cách oan ức thì sự nhân văn ở đâu? Nhân văn với phụ huynh gian lận vậy sự nhân văn nào với phụ huynh có con bị trượt đại học oan ức?

Một năm con của các vị yên ổn trong trường đại học là một năm con của người khác bất yên vì lo học lại thi lại, thậm chí mất hẳn cơ hội vào đại học. Các em “chạy điểm” hay “mất điểm” đều là nạn nhân của sự gian lận của người lớn, nhưng đừng cho rằng các em được “chạy điểm” là vô can khi biết rõ mình đã cướp đi cơ hội của người xứng đáng hơn mình.

Không công bằng làm sao có sự nhân văn? Nếu các em này thực sự hối hận thì đã không có mặt trong trường đại học.

Vấn đề là việc công bố danh sách này như thế nào chứ không phải là im lặng cho qua, bởi vì không sự thật nào có thể che giấu được.

Dù không công bố thì ở những trường đại học có thí sinh “chạy điểm” rồi mọi người cũng sẽ biết (thậm chí đã biết) danh tính các em, lúc đó sẽ rất ê chề. Các vị phụ huynh có thể đến trường “đeo mặt mo” thay con được không?

Làm người lớn là biết tự chịu trách nhiệm, nhưng còn phải biết để cho con trưởng thành trên đôi chân của chính nó chứ không phải trên đầu gối của cha mẹ.

Khi cha mẹ can tâm chạy chọt cơ hội vào đời cho con là tước đi quyền “đứng thẳng” của con và làm cho con trở thành khuyết tật về nhân cách.

Hỗ trợ du lịch Sầm Sơn: Sóng Đại Dương Travel

Hotline: 0901.243.789  – 0961 248 789 – 0237 2822 888